TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ
THEO THÁNH GIOAN (18,1 – 19,42)
CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU
A. HƯỚNG THẦN HỌC CỦA GIOAN TRONG TRÌNH THUẬT VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU
Trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu là nét nổi bật trong bốn sách Tin Mừng. Tại đây, chúng ta ghi nhận những điểm tương đồng quan trọng giữa Gioan và Tin Mừng nhất lãm. Cả bốn Tin Mừng đều tường thuật lại như nhau về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu : việc Người bị bắt, bị điệu đến tòa án Do Thái, việc Phêrô chối Thầy, cuộc thẩm vấn quan trọng trước tòa án Rôma, Philatô ra án tử hình đóng đinh Người, việc Người vác thập giá lên Núi Sọ và bi đóng đinh tại đó, rồi Người đã chết và được các môn đệ mai táng trong mồ.
Tất cả những yếu tố căn bản này đều trùng hợp với nhau. Đi tìm hiểu lý do của sự trùng hợp này, có chúng ta phải nói là do 4 Thánh Sử khi ghi lại bài tường thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa, các ngài đều suy niệm từ Lời Rao Giảng tiên khởi của Hội Thánh : Đức Giêsu đã chịu khổ nạn, đã chết và đã sống lại.
Tuy nhiên, chính trong phần này, Thánh Gioan cũng đã lộ ra những nét cá biệt của người, nếu ta so sánh với Tin Mừng nhất lãm :
a) Gioan bỏ qua nhiều yếu tố, ví dụ :
- cảnh hấp hối ở vườn Ghetsêmani,
- cái hôn của Giuđa,
- môn đệ chạy trốn,
- phiên tòa Do Thái,
- cảnh sỉ nhục Chúa, đòi Chúa nói tiên tri,
- việc Simon người Kyrênê vác đỡ thập giá,
- cảnh nhạo báng Chúa trên thập giá,
- tối tăm bao trùm khi Chúa chết,
- việc Chúa thốt ra một tiếng lớn trước khi tắt thở,
- màn Đền thờ bị xé làm hai,
- lời tuyên xưng đức tin của viên bách quản.
b) Gioan thêm vào những dữ kiện mà Tin Mừng nhất lãm không nói tới, ví dụ :
- “Chính là Ta” (êgô eimi),
- cuộc thẩm vấn của Hanna,
- Philatô hỏi riêng Chúa trong phủ đường,
- “Ecce Homo” (Này, Người đó !),
- “Ecce Rex vester” (Này là Vua các người),
- lời đề nghị thay đổi tước hiệu ghi trên khổ giá,
- sự hiện diện của Mẹ Maria bên khổ giá,
- “Ta khát” – “Mọi sự đã hoàn tất”,
- cạnh sườn khai mở,
- Nicôđêmô hạ xác Chúa.
c) Và ngay cả trong lúc ghi lại những yếu tố tương đồng với Tin Mừng nhất lãm, Gioan cũng lộ ra nét cá biệt độc đáo của mình :
- Ga 18,1 : Đức Giêsu ra đi với môn đồ
Lc 22,39 : Đi ra, … có cả các môn đồ đi theo Ngài
Mc 14,26 : Họ đi ra … (núi Cây Dầu)
Mt 26,30 : Họ đi ra … (núi Cây Dầu
- Ga 18,1 : qua bên kia khe Kêđron
Lc 22,39 : Ngài đến núi Cây Dầu
Mc 14,26 : núi Cây Dầu
Mt 26,30 : núi Cây Dầu)
- Ga 18,2 : Giuđa, kẻ nộp Ngài
Lc 22,47 : Giuđa, một trong nhóm Mười Hai
Mc 14,43 : Giuđa, một trong nhóm Mười Hai
Mt 26,47 : Giuđa, một trong nhóm Mười Hai
- Ga 18,3.12 : cơ binh, nhóm bộ hạ của các Thượng tế và Biệt phái; cơ binh và viên quản cơ cùng với bộ hạ của người Do Thái
Lc 22,47 : một đoàn lũ
Mc 14,43 : đoàn lũ
Mt 26,47 : lũ đông
- Ga 18,30 : Simon Phêrô rút gươm ra và đánh nhằm người đầy tớ của Thượng tế và cắt đứt tai phải nó. Tên đầy tớ ấy là Malkhô.
Lc 22,50 : Và một người trong nhóm họ đã đánh nhằm tên đầy tớ của Thượng tế và chặt đứt tai phải nó.
Mc 14,47 : Nhưng một người trong những kẻ có mặt tuốt guiơm và đánh nhằm tên đầy tớ của Thượng tế và chặt đứt tai nó.
Mt 26,51 : Và này : một trong những người ở bên Đức Giêsu giơ tay, tuốt gươm và chém nhằm tên đầy tớ của Thượng tế và chặt đứt tai nó.
Nhìn chung, ta có thể nói :
– Tin Mừng nhất lãm tường thuật cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu theo trình tự diễn tiến các sự việc và cao điểm là cái chết của Người trên khổ giá ;
– Tin Mừng Gioan lại chiêm ngắm cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu dưới ánh sáng Phục Sinh. Đối với Gioan, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu được ghi lại như dấu chỉ của sự vinh thăng của Người : chính trong thập giá, Gioan nhìn thấy công cuộc cứu chuộc đã hoàn thành.
Như vậy, đối với Gioan, khổ giá không còn là một khí cụ để hành hình, nhưng là Ngai của Vua Giêsu. Chính trong điểm này, chúng ta bắt gặp hướng thần học thật cụ thể của Gioan trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.
Xuyên qua những điều mô tả, Gioan cho ta nhận ra tầm vóc biểu trưng (portée symbolique) của các biến cố và ý nghĩa thần học sâu xa của những sự kiện này.
I. GIỜ CỦA CHÚA GIÊSU
Chủ đề “Giờ của Chúa Giêsu” là suy niệm độc đáo của Gioan trong toàn bộ Tân Ước.
Tìm hiểu ý nghĩa của chủ đề này, chúng ta nhận thấy : “GIỜ” đối với truyền thống văn chương khải huyền Do Thái mang ý nghĩa cánh chung (sens eschatologique), đó là giờ cứu độ, giờ Thiên Chúa chiến thắng vĩnh viễn, giờ “mọi sự đã hoàn tất” (x. Đn 8,17.19 ; 11,35).
Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa, trừ phi là Cha (Mc 13,22 // Mt 24,36).
Hỡi anh em, các con bé nhỏ, Giờ cánh chung đây ! Và như anh em đã nghe nói là phản-kitô sẽ đến, thì nay đã có nhiều phản kitô xuất hiện, do đó mà ta biết : Giờ cánh chung đây ! (1Ga 2,18).
Ngoài ra, chủ đề “GIỜ” còn mang một ý nghĩa nữa trong Tin Mừng nhất lãm, đó là ý nghĩa Kitô luận (sens messianique, Christologique). Một cách cụ thể, đối với Tin Mừng nhất lãm, đó là Giờ Khổ Nạn của Đức Kitô.
Trong vườn Ghetsêmani, Chúa Giêsu đã cầu nguyện, xin Chúa Cha : “Nếu có thể được thì cho Giờ đó qua đi khỏi Ngài” (Mc 14,35) và lúc bị bắt, Người đã nói với các môn đệ : “Giờ đã đến ! Này, Con Người sắp bị nộp vào tay những người tội lỗi” (Mc 14,41 // Mt 26,45). Trong Tin Mừng Luca thì Đức Giêsu đã nói trực tiếp với các kẻ đến bắt Người : “Này là giờ của các ông và là thời của quyền lực tối tăm” (22,53).
Như vậy, chủ đề “GIỜ” được Thánh Kinh sử dụng với hai ý nghĩa : ‒ cánh chung : giờ cứu độ ; ‒ kitô luận : giờ khổ nạn của Đức Kitô. Trong Tin Mừng thứ tư, Thánh Gioan đã lưu ý đến tầm quan trọng của chủ đề này và đào sâu ý nghĩa thần học của nó.
Thật vậy, ngay từ đầu Tin Mừng, Thánh Gioan cho ta thấy Đức Giêsu hướng cả cuộc đời của Người đén “giờ mầu nhiệm đó”, và Thánh Gioan – chỉ một mình Gioan – đã xem giờ đó là Giờ của Chúa Giêsu, vì đó là Giờ Người hoàn tất công trình cứu độ của Người.
Ngay từ tiệc cưới ở Cana, Đức Giêsu đã hướng cái nhìn của các môn đệ đến mầu nhiệm thập giá, khi Người tuyên bố : “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4). Rồi trong dịp lễ Nhà Tạm tại Giêrusalem, khi có những người Do Thái định bắt Đức Giêsu, nhưng họ không làm gì được Ngài, “vì Giờ của Ngài chưa đến” (Ga 7,30 ; 8,20).
Thế nhưng khi thấy viễn tượng cái chết đã gần kề :
“Bây giờ hồn Ta những rúng động ! Ta phải nói gì ?
Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này,
nhưng chính vì thế mà Con đạt thấu giờ này” (Ga 12,27)
thì Đức Giêsu long trọng tuyên bố:
“Giờ đã đến ! cho Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23).
Với lời tuyên bố này, Đức Giêsu cho biết : giờ chết của Ngài là giờ Ngài được tôn vinh ; giờ khổ nạn của Ngài là giờ hoàn tất công trình cứu độ. Như vậy, hai ý nghĩa về chủ đề “GIỜ” trong Kinh Thánh đã được Gioan kết hợp lại một cách tài tình trong chủ đề mà ta gọi là “Giờ của Chúa Giêsu” : Giờ Ngài mạc khải hoàn toàn Ngài là Đấng Mêsia (= Đấng Kitô) ban ơn cứu độ cho nhân loại.
Tiến trình mạc khải đó, Gioan đưa ta đi từng bước qua cuộc Khổ Nạn – cái chết – sự sống lại và lên trời của Đức Giêsu.
Một cách đặc biệt, từ chương 12 đến chương 17, Gioan mời gọi ta nhìn vào Đức Giêsu, nghe lại các Lời của Ngài để bắt gặp được “Giờ của Ngài”, giờ hoàn tất việc cứu độ : “Giờ đã đến ! cho Con Người được tôn vinh” (12,23).
Cái chết của Đức Giêsu sẽ giống như “hạt lúa gieo xuống đất, chết đi để sai hoa lắm quả” (x. Ga 12,24).
Cái chết của Đức Giêsu sẽ tạo điều kiện cho mọi người đến cùng Ngài : “Một khi Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (12,32).
Gioan còn cho ta biết : “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến Giờ Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha – đã mến yêu các kẻ thuộc về Ngài còn ở trong thế gian – thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng” (13,1).
Dấu chứng của tình yêu đến cùng này đó là việc Ngài trao ban mạng sống mình (15,13). Và Đức Giêsu đã làm cử chỉ biểu trưng trong hành động rửa chân cho các môn đệ : “Ngài đã chỗi dậy, bỏ áo xống đi” (13,4) ; “… Vậy khi Ngài đã rửa chân họ xong, và lấy áo mặc …” (13,12).
“bỏ áo xống đi” (tithêmi, τίθημι)
và “lấy áo mặc (lại)” (lambanô, λαμβανώ)
liên hệ với Ga 10,17 nói về người Mục tử tốt :
“Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta : ấy là vì Ta thí mạng sống Ta, để rồi lấy lại” (x. Ga 10,11.15.18 ; 1Ga 3,16).
Và chính trong giờ Đức Giêsu được tôn vinh, Ngài thực thi quyền năng trên mọi xác phàm :
“Lạy Cha, giờ đã đến !
xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha !
Như Cha đã ban cho Ngài quyền năng trên moi xác phàm,
ngõ hầu toàn thể những gì Cha đã ban cho Ngài,
thì được Ngài ban cho sự sống đời đời” (Ga 17,1-2).
Như vậy, đối với Gioan :
1o “Giờ của Chúa Giêsu” không phải là một lúc nào trong đời sống của Ngài, nhưng là giờ cánh chung, giờ ban ơn cứu độ, giờ Ngài mạc khải hoàn toàn Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Kitô ;
2o “Giờ của Chúa Giêsu” được tỏ hiện công khai và cụ thể qua các biến cố : khổ nạn – chết – sống lại và lên trời của Ngài :
Ga 2,4 đề cập đến Giờ của Đức Giêsu
Ga 7,30 ; 8,20 giờ Đức Giêsu chết
Ga 12,23 hướng về giờ Đức Giêsu được tôn vinh
Ga 13,1 ; 17,1 giờ Đức Giêsu được tôn vinh
Đó là cao điểm của mọi hoạt động và sứ mạng của Đức Giêsu : “Chính vì thế mà Con đã đạt thấu giờ này” (Ga 12,27).
--- Còn tiếp ---